Chuyên môn

SỎI TUYẾN NƯỚC BỌT

Có ba tuyến nước bọt chính: tuyến mang tai, tuyến dưới lưỡi và tuyến dưới hàm. Ngoài ra còn có hàng trăm tuyến nước bọt phụ khác nằm trong lớp niêm mạc của khoang miệng, họng và các xoang. Chúng có tác dụng hỗ trợ cho việc bảo vệ răng miệng, nếm, nuốt và

SỎI TUYẾN NƯỚC BỌT
Có ba tuyến nước bọt chính: tuyến mang tai, tuyến dưới lưỡi và tuyến dưới hàm. Ngoài ra còn có hàng trăm tuyến nước bọt phụ khác nằm trong lớp niêm mạc của khoang miệng, họng và các xoang. Chúng có tác dụng hỗ trợ cho việc bảo vệ răng miệng, nếm, nuốt và thực hiện giai đoạn đầu tiên của quá trình tiêu hóa.

Sỏi trong ống dẫn của tuyến nước bọt dưới hàm ( ống Wharton ) bộc lộ trong khi phẫu thuật lấy sỏi
Tuyến nước bọt mang tai nằm ở vị trí tương ứng với vùng trước dưới của nắp bình tai; các chất tiết của nó đổ ra một lỗ nhỏ nằm ở cạnh răng số 6 hàm trên còn gọi là lỗ Stenon. Còn tuyến nước bọt dưới hàm nằm ở khu vực dưới ngoài của xương hàm dưới; tuyến dưới lưỡi nằm ở phía dưới lưỡi trong miệng, các chất tiết của hai tuyến này đổ ra cạnh hãm lưỡi (nơi mà khi cong lưỡi lên trên ta nhìn thấy một đường mảnh nối lưỡi và sàn miệng).
Sỏi tuyến nước bọt hình thành khi có sự đông vón các chất xuất tiết và các tế bào biểu bì của ống dẫn nước bọt đổ ra khoang miệng, do vi khuẩn và quá trình viêm mạn tính gây ra. Sỏi thường xuất hiện ở tuyến dưới hàm (80%) và tuyến mang tai. Hầu như không có sỏi ở các tuyến nước bọt phụ.
Những viên sỏi nhỏ gây bán tắc ống dẫn lưu, dễ bị đẩy ra khoang miệng qua lỗ thoát của tuyến nước bọt (nhất là khi ăn uống vì lúc này, tuyến nước bọt sẽ to ra và mềm hơn khi ăn uống, đặc biệt là ăn đồ chua), khiến bệnh nhân cảm giác có sỏi trong miệng. Những viên sỏi lớn gây tắc hoàn toàn tuyến nước bọt, khiến các chất xuất tiết của tuyến không dẫn lưu được. Hậu quả là vùng tương ứng với vị trí tuyến nước bọt đó bị sưng phồng, làm mặt bị lệch hẳn về một bên, dần dần gây nhiễm trùng tuyến. Khối sưng trở nên nóng đỏ, ấn đau; bệnh nhân có thể sốt cao, thậm chí rét run. Tổ chức viêm có thể tạo thành ổ áp xe, gây tổn thương dây thần kinh chi phối hoạt động của các cơ mặt, gây liệt mặt.
Để chẩn đoán xác định sỏi tuyến nước bọt, cần chụp X-quang hoặc CT scanner (phương pháp này rất chính xác nhưng tốn kém nên chỉ sử dụng trong những trường hợp đặc biệt).

Phim chụp X-quang với hình sỏi trong ống tuyến
Với những sỏi ở gần miệng ống dẫn lưu của tuyến nước bọt, có thể xử trí bằng cách gây tê tại chỗ và lấy bỏ qua đường rạch trong miệng. Với những sỏi ở trung tâm tuyến, bác sĩ sẽ phải lấy ra qua một đường rạch phía ngoài đi qua toàn bộ tuyến.
Hiện có 0 bình luận
Gửi yêu cầu tư vấn