Chuyên môn

VIÊM NHA CHU

Khi viêm nướu không được điều trị dứt điểm, vi khuẩn độc hại tiếp tục lây lan, ảnh hưởng đến toàn bộ cấu trúc nha chu, bệnh sẽ tiến triển thành viêm nha chu. Lúc này, bệnh diễn biến phức tạp và rất khó điều trị.

Dấu hiệu nhận biết

  • Xuất hiện túi nha chu chảy mủ
  • Chân răng suy yếu, răng lung lay
  • Tụt nướu làm chân răng lộ ra nhiều, miệng có mùi hôi nặng,
  • Tiêu xương ổ răng là dấu hiệu nghiêm trọng bậc nhất, báo hiệu nguy cơ mất răng rất cao.

Ảnh hưởng của bệnh viêm nha chu :

Viêm nha chu là một trong những bệnh lý răng miệng có ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe răng miệng của bệnh nhân:

  • Hôi miệng, khiến người bệnh mất tự tin trong giao tiếp
  • Gây đau nhức, khó chịu, đặc biệt nhạy cảm với các thức ăn nóng/ lạnh
  • Gây mất khẩu vị, khó khăn trong ăn uống, ảnh hưởng đến dạ dày
  • Làm chân răng lung lay, trường hợp viêm nha chu tiến triển nặng, bệnh nhân có thể đối mặt với nguy cơ mất răng.

Có 4 loại điều trị căn bản thường dùng đối với tình trạng viêm nha chu:

  • Điều trị khẩn cấp,
  • Điều trị không phẫu thuật
  • Điều trị phẫu thuật 
  • Điều trị duy trì.

Điều trị không phẫu thuật là cách thức thường được áp dụng nhất với 2 bước:

Bước 1: Nha sĩ đánh giá các yếu tố thuận lợi cho việc lưu giữ mảng bám, cản trở vệ sinh răng miệng và kiểm soát mảng bám vi khuẩn.

Bước 2: Loại bỏ các khả năng thuận lợi cho việc lưu giữ mảng bám, ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn gây hại bằng nhiều phương pháp, phù hợp với tình trạng răng của bệnh nhân:

  • Cạo vôi răng (cao răng) là thủ thuật được chỉ định cho tất cả kế hoạch điều trị viêm nha chu
  • Chỉnh sửa hoặc thay thế những miếng trám lỗi, sai kỹ thuật
  • Chỉnh sửa hoặc thay thế những phục hình lỗi, sai kỹ thuật
  • Đánh giá và chỉ định răng buộc phải loại bỏ không giữ được
  • Cố định răng lung lay
  • Thực hiện phục hình tạm khi cần thiết

Phương pháp điều trị viêm nha chu phụ thuộc vào giai đoạn và mức độ nghiêm trọng của bệnh nha chu. Nếu viêm nha chu được phát hiện sớm khi còn ở giai đoạn viêm nướu, và chưa ảnh hưởng đến cấu trúc nâng đỡ dưới răng, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn cải thiện cách vệ sinh răng miệng hằng ngày sau khi được vệ sinh chuyên sâu với phương pháp cạo vôi răng.

Mặc dù đã áp dụng những phương pháp đơn giản này, tình trạng viêm nha chu vẫn trở nên nghiêm trọng hơn, việc chữa trị là cần thiết. Bước đầu tiên là vệ sinh đặc biệt chuyên sâu, gọi chung là cạo vôi răng và cạo vôi răng dưới nướu. Ở bước này, mảng bám và vôi răng được cẩn thận loại bỏ từ sâu dưới đáy của túi nha chu. Quá trình điều trị này có thể kéo dài trong vài lần hẹn, tùy thuộc vào tình trạng viêm nha chu của bệnh nhân. Bề mặt chân răng được làm sạch, trơn láng, tạo điều kiện cho tế bào nướu lành thương và kết nối lại vào chân răng. Quy trình này được gọi là “vệ sinh nha chu” hay “làm sạch sâu” và thường cần nhiều lần hẹn để hoàn thành

Bác sĩ nha khoa có thể kê toa thuốc giảm đau và giảm sưng viêm, hoặc thuốc giúp mau lành thương. Những chỉ định này có thể là thuốc viên uống, nước súc miệng hoặc thuốc được nha sĩ đặt trực tiếp sau khi vệ sinh sâu túi nha chu. 

Khi quá trình làm sạch sâu chân răng hoàn thành, bác sĩ sẽ hẹn bệnh nhân tái khám vài tuần sau đó. Trong lần tái khám này, bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng nướu đã lành thương chưa và tiến hành đo độ sâu túi nha chu. Nếu viêm nha chu diễn biến thành viêm nha chu tiến triển, túi nha chu sẽ sâu hơn và tình trạng tiêu xương ổ răng bắt đầu diễn ra, lúc này điều trị cho bệnh nhân sẽ phức tạp hơn

Viêm nha chu không thể tự khỏi. Nếu không được phát hiện, quan tâm đúng mức và chữa trị kịp thời, bệnh nhân có thể cần phải thực hiện phẫu thuật đế cố gắng giữ lấy răng bị ảnh hưởng. Ngăn ngừa và điều trị viêm nha chu ở giai đoạn sớm là cách tốt nhất, hiệu quả nhất để giữ hàm răng chắc khỏe.

Chăm sóc sau điều trị viêm nha chu

Sau khi hoàn tất điều trị viêm nha chu, bệnh nhân sẽ được yêu cầu tái khám thường xuyên. Việc thăm khám nha sĩ thường xuyên và vệ sinh chuyên sâu rất quan trọng trong việc kiểm soát tình trạng viêm nha chu. Tùy từng trường hợp mà cuộc hẹn của bệnh nhân sẽ thay đổi giữa nha sĩ tổng quát và nha sĩ chuyên về nha chu

Vệ sinh cá nhân kỹ lưỡng tại nhà đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc ngăn ngừa diễn biến xấu của viêm nha chu hay tình trạng viêm nha chu trở lại. Chỉ cần vài phút hai lần mỗi ngày để đánh răng và làm sạch kẽ răng và nướu. Vệ sinh răng miệng hằng ngày giúp kiểm soát mảng bám răng và giảm khả năng hình thành vôi răng

Nỗi lo sợ mất răng vì viêm nha chu sẽ không còn chỉ cần bạn duy trì thói quen đánh răng, làm sạch kẽ răng, chế độ ăn uống hợp lý và kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ, một hàm răng sạch khỏe hoàn toàn trong tầm tay!

 
 
 
Hiện có 0 bình luận
Gửi yêu cầu tư vấn