Chuyên môn

TỤT LỢI

TỤT LỢI

TỤT LỢI

 
tụt lợi
ĐỊNH NGHĨA TỤT LỢI:
Tụt lợi là quá trình lộ bề mặt chân răng do sự di chuyển về phía cuống răng của lợi (theo Glickman) .
PHÂN LOẠI TỤT LỢI:
Phân loại Tụt lợi chỉ đề cập tới vị trí của lợi mà không ám chỉ tới tình trạng của nó. Lợi co có thể bị viêm nhưng có thể bình thường. Tụt lợi có thể ở một răng, một nhóm răng hoặc toàn bộ.
v   Phân loại Tụt lợi theo Gickman .
Có hai loại Tụt lợi:
- Nhìn thấy (Visible recession)
- Không nhìn thấy (Hidden recession)
Tụt lợi nhìn thấy là phần nhìn thấy bằng mắt (V). Tụt lợi không nhìn thấy (H) được che phủ bởi lợi và chỉ đo được bằng cây thăm dò quanh răng tới vị trí bám dính của biểu mô, ví dụ: khi chân răng có túi viêm thì một phần nhìn thấy được, một phần Tụt lợi bị che phủ bởi lợi. Cộng cả hai phần là mức độ Tụt lợi (Recestion).
v   Phân loại Tụt lợi của Miller :
Loại I: Tụt lợi chưa tới đường ranh giới lợi-niêm mạc miệng (muco-gingival junction) và mô quanh răng ở kẽ răng chưa bị tổn thương.
         Tiên lượng: Có thể phẫu thuật che phủ hoàn toàn chân răng bị lộ.
Loại II: Tụt lợi tới hoặc vượt qua đường nối lợi-niêm mạc miệng và mô quanh răng ở kẽ răng chưa bị tổn thương.
         Tiên lượng: Có thể phẫu thuật che phủ hoàn toàn chân răng bị lộ.
Loại III: Tụt lợi vượt qua  đường ranh giới lợi - niêm mạc miệng, kèm theo mô quanh răng ở kẽ răng bị phá hủy.
         Tiên lượng: Vì mô quanh răng ở kẽ răng bị phá hủy nên chỉ có thể phẫu thuật che phủ một phần chân răng bị lộ. Mức độ che phủ của phẫu thuật là đường nối điểm giữa bờ lợi của hai răng bên cạnh.
Loại IV: Là Tụt lợi loại III cộng với răng bị lung lay, di chuyển do bệnh quanh răng.
         Tiên lượng: Phẫu thuật vạt lợi che phủ chân răng không thể thành công. Nếu răng còn chỉ định bảo tồn thì phẫu thuật làm tăng chiều cao lợi dính.
NGUYÊN NHÂN GÂY TỤT LỢI VÀ YẾU TỐ LIÊN QUAN:
Tụt lợi có thể do nguyên nhân sinh lý, bệnh lý, sang chấn hoặc kết hợp các nguyên nhân, sự khác biệt là ở mức độ. Moawia M.Kassab và cộng sự  năm 2003 trong một báo cáo tổng tổng kết cho rằng Tụt lợi là vấn đề đa nguyên nhân.
v   Nguyên nhân bệnh lý:
Viêm quanh răng, túi bệnh lý sâu là nguyên nhân thường gặp của Tụt lợi.
v   Nguyên nhân sang chấn:
Nguyên nhân Tụt lợi có thể là do chải răng sai kỹ thuật làm sang chấn mòn lợi (lợi mỏng và thấp dần). Mặc dù chải răng quan trọng cho sự lành mạnh của lợi nhưng chải răng không đúng kỹ thuật gây ra mòn lợi. Khocht A  và cộng sự trong một nghiên cứu năm 1993 ở Mỹ thấy có sự liên quan giữa Tụt lợi và thói quen dùnh bàn chải cứng.
Sang chấn khớp cắn là yếu tố thuận lợi làm trầm trọng Tụt lợi do tăng sinh biểu mô và viêm tại chỗ.
v   Nguyên nhân sinh lý:
Tụt lợi sinh lý tăng theo tuổi, tỉ lệ co từ 8% ở trẻ em tới 100% sau tuổi 50 (theo Glickman ). Tác giả Kleber-BM trong một nghiên cứu ở Đức 1991 về nguyên nhân gây Tụt lợi trên 11401 người đưa ra kết quả: 10,4% Tụt lợi ở lứa tuổi 16-19; 24,8% Tụt lợi ở lứa tuổi 20-24; 46,8% Tụt lợi ở lứa tuổi 35-44 .
v   Yếu tố thuận lợi về sinh lý và giải phẫu:
Mức độ mòn lưọi bị ảnh hưởng bởi vị trí của răng trên cung hàm, góc của chân răng trong xương hàm, độ cong gần xa của bề mặt chân răng. Ở những răng xoay, nghiêng, sai vị trí lệch ra phía tiền đình thì tấm xương ổ răng mởng, bị giảm dần chiều cao, áp lực khi nhai thức ăn cứng hoặc do chải răng sẽ làm mòn phần lợi không được xương nâng đỡ phía dưới, gây ra Tụt lợi.
Yếu tố thuận lợi do góc độ của chân răng trong xương hàm dễ thấy nhất ở vùng răng hàm lớn hàm trên. Nếu chân hàm ếch nghiêng nhiều về phía hàm ếch hoặc hai chân phía tiền đình ngả ra phía ngoài nhiều quá sẽ làm xương ở vùng cổ răng mỏng và ngắn dẫn đến mòn bờ lợi không được xương nâng đỡ. Nếu kèm theo mòn mặt nhai thì Tụt lợi sẽ trầm trọng hơn. Mòn mặt nhai thường đồng hành với chồi răng và làm tăng rõ sự nghiêng của chân răng, điều này càng làm giảm lượng xương ổ răng che phủ cổ răng và tăng Tụt lợi do giảm sự nâng đỡ lợi.
Mô quanh răng mỏng là yếu tố thuận lợi của Tụt lợi. Có hai dạng sinh học của mô quanh răng là dạng mỏng và dạng dày .
Teo mô quanh răng ở ngoài già.
Phanh niêm mạc bám cao có thể là yếu tố làm trầm trọng thêm Tụt lợi vì gây ra sự co kéo lợi tự do khi ăn nhai dẫn đến bong lợi, thức ăn dễ rắt, vi khuẩn xâm nhập gây viêm.
v   Liên quan giữa Tụt lợi và túi lợi:
Sự hình thành túi lợi gây ra mất bám dính và lộ bề mặt chân răng. Những túi lợi có cùng độ sâu có thể có những mức độ Tụt lợi khác nhau.
Sau khi điều trị viêm quanh răng, túi lợi sẽ giảm hoặc mất nhưng mức Tụt lợi không thay đổi nếu vị trí bám của lợi trên chân răng không thay đổi.
v   Liên quan giữa Tụt lợi và lợi dính:
Tụt lợi làm giảm kích thước lợi, vì vậy Tụt lợi tăng thì lợi dính giảm.
HẬU QUẢ CỦA TỤT LỢI:
Bề mặt chân răng lộ ra nên dễ bị sâu chân răng.
Cement răng lộ ra sẽ bị mòn khi chải răng làm lộ ngà răng do đó răng tăng nhạy cảm khi bị kích thích.
Khi Tụt lợi vượt quá ranh giới lợi dính-niêm mạc tiền đình thì bờ lợi thường xuyên bị co kéo trong các hoạt động chức năng nhai, nói làm bong lợi khỏi bề mặt răng.
Tạo điều kiện cho mảng bám, thức ăn và vi khuẩn tích tụ nhất là Tụt lợi ở vùng kẽ răng.
Ảnh hưởng thẩm mỹ với nhóm răng phía trước.
TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ TỤT LỢI Ở VIỆT NAM VÀ TRÊN THẾ GIỚI.
Cùng với sự phát triển của nha khoa thẩm mỹ, hiện tượng Tụt lợi ngày càng được quan tâm chú ý, ví dụ năm 2004, Arowojolu MO báo cáo tỉ lệ Tụt lợi trên một nhóm dân Nigeria: Lứa tuổi 16-25 có 22%, lứa tuổi 56-65 có 58% người có răng Tụt lợi.
Năm 2002, Hosanguan C và cộng sự báo cáo kết quả nghiên cứu về Tụt lợi trên nhóm đối tượng người lớn ở Thái lan: lứa tuổi 51 đến 59 có 49,6% bị Tụt lợi, lứa tuổi 70 đến 92 có 72% bị Tụt lợi, nam Tụt lợi nhiều hơn nữ .
Susin C và cộng sự năm 2004 nghiên cứu 1460 người dân vùng nông thôn cảu Brazil thu được kết quả 56,1% người dân có mức Tụt lợi ít nhất 1 răng lớn hơn 3mm, 22% người dân có mức Tụt lợi trên 5mm .
Năm 2012, Minaya-Sánchez M và cộng sự báo cáo nghiên cứu tỉ lệ Tụt lợi ở nam giới thuần gốc Mexico: 87,6% có ít nhất 1 răng Tụt lợi, trung bình mỗi người có 6,73 răng Tụt lợi .
Lê Long Nghĩa năm 1999 báo cáo nghiên cứu trên 178 bệnh nhân ở bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương có kết quả: tỉ lệ Tụt lợi nhóm tuổi 18-25 là 72,16%; tỉ lệ Tụt lợi nhóm tuổi 35-44 là 98,77% .
Hiện có 0 bình luận
Gửi yêu cầu tư vấn